Nói đến nghề mộc ngày nay thì chắc ai cũng nghĩ đến thợ làm đồ nội thất gỗ. Tuy nhiên để hiểu đúng về nghề mộc chúng ta cần phải chia làm 2 ngành nghề khác nhau:
Nghề mộc mỹ nghệ:
Đây là ngành làm mộc có truyền thống rất lâu đời ở nước ta. Nghề mộc tại Việt Nam hình thành từ thế kỉ thứ 10 thời nhà Đinh. Nhiều dân tộc ở vùng núi phía Tây Bắc – Việt Bắc nước ta từ lâu đã ở trong những căn nhà sàn nhỏ bằng gỗ và tre nứa đan ghép. Các dân tộc Tây Nguyên cũng sống trên các loại nhà rông bằng những cây gỗ to nguyên khối và cao lớn. Dân tộc Kinh ở miền trung, miền bắc có kiểu nhà gỗ ba gian với nhiều đồ dùng hàng ngày bằng gỗ như phản gỗ để nằm nghỉ, khung cửi, chày cối, đũa, bát gỗ… Nghề mộc nước ta bắt đầu tựu hình vào thế kỷ thứ X, bắt đầu từ thời Nhà Đinh, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân lập nên Nước Đại Cồ Việt.
Theo sử sách còn ghi lại, ông tổ của Nghề Mộc là Ninh Hữu Hưng. Ninh Hữu Hưng (936 – 1020), quê ở thôn Chi Phong, xã Trường Yên, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Khi Vua Đinh Tiên Hoàng tuyển thợ giỏi về giúp triều đình, ông được Vua giao cho việc xây dựng cung điện trong kinh thành và được phong cho chức Công tượng lục phủ Giám sát tướng quân.
Đến Nhà Tiền Lê, Ninh Hữu Hưng càng được trọng dụng. Một lần nhà vua Lê Đại Hành đi qua vùng Cái Nành (Nam Định ngày nay), Vua đã cho ông ở lại đất này. Từ đó, Ninh Hữu Hưng đem con cháu tới đây an cư lạc nghiệp. Ngày nay, vùng đất này là thôn La Xuyên, của xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, Nam Định. Ninh Hữu Hưng còn là ông tổ của Nghề chạm khắc gỗ, khảm xà cừ, khảm trai lên đồ gỗ.
Nghệ nhân nghề mộc mỹ nghệ là những người phải có tính tỉ mỉ, cẩn thận và khéo léo. Bên cạnh đó thì sự sáng tạo và tính thẩm mỹ rất được đề cao cho nên để trở thành một nghệ nhân nghề mộc phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài và không phải ai cũng làm được.
Đồ gỗ nội thất
Đồ gỗ nội thất là những vật dụng khác được bố trí, trang trí bên trong một không gian nội thất như căn nhà, căn phòng hay cả tòa nhà nhằm mục đích hỗ trợ cho các hoạt động khác nhau của con người trong công việc, học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi, giải trí phục vụ thuận tiện cho công việc, hoặc để lưu trữ, cất giữ tài sản… có thể kể đến một số hàng nội thất như ghế ngồi, bàn, giường, tủ đựng áo quần, tủ sách, tủ chè, chạn, đồng hồ treo tường….
Thợ mộc ngày nay tại các xưởng gỗ làm việc chuyên nghiệp hơn và theo dây chuyền sản xuất nên còn gọi là công nhân mộc
Những người thợ này cần có đức tính kỷ luật, làm việc với độ chính xác cao và thường sử dụng rất nhiều máy móc hạng nặng để thay thế cho sức lao động.
Làm nghề mộc có giàu không?
Nghề mộc từ xưa đến nay đó là nghề làm truyền thống. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Ở tất cả mọi ngành nghề đều có người giàu lẫn người nghèo.
Đoàn Nguyên Đức có biệt danh là Bầu Đức (sinh 1962), quê quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là người Việt nổi tiếng như là một “ông bầu” trong làng bóng đá và là một doanh nhân thành đạt qua thương hiệu nổi tiếng Hoàng Anh – Gia Lai. Năm 2011, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.
Đoàn Nguyên Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác.
Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, nó trở thành Công ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá.