Sáng 8/8, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”.
Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành, các vị khách quốc tế và hơn 300 doanh nghiệp đại diện cho 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cả nước.
Cách đây gần 1 năm, tại Hội nghị toàn quốc về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp để giúp nâng cao đời sống người dân sống bằng nghề rừng, qua đó người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng. Hội nghị lần này nhằm tìm giải pháp phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, cũng đồng thời thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng rừng.
Trong phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngành sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản, khi đang tạo việc làm cho hơn 500.000 người tại các doanh nghiệp và hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn miền núi trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu. Sản phẩm gỗ, lâm sản chế biến của Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và dự kiến năm nay, giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 9 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới và thứ 2 Châu Á về xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản.
Tuy vậy, tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu lên một số bất cập, như nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đảm bảo được khoảng 80% nhu cầu, trong khi chất lượng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước còn thấp. Theo góc nhìn của ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, thì đây chính là cơ hội cho việc phát triển rừng trồng của Việt Nam, bởi xu hướng thị trường thế giới đòi hỏi nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Câu hỏi đặt ra là làm sao đảm bảo được nguồn nguyên liệu gỗ ở trong nước với chất lượng đảm bảo? Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc Công ty Scansia Pacific, chia sẻ, sau gần 4 năm kiên trì liên kết với nông dân, ông khẳng định, chỉ có con đường liên kết tiến đến phát triển rừng trồng hợp pháp và đúng quy chuẩn FSC là con đường đúng đắn nhất của ngành. Liên kết bền vững ấy mang lại lợi ích cho người dân, mang đến cơ hội cho họ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời mang lại nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp. Đặc biệt, chương trình trồng rừng FSC còn đạt được thành tựu rất lớn trong việc thay đổi nhận thức của người dân về trách nhiệm với môi trường, Khi được tham gia đào tạo và tập huấn thực tiễn về vấn đề môi sinh, môi trường sống thì người dân địa phương dần thận trọng hơn với các vấn đề môi sinh.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành gỗ Việt Nam và cho biết Chính phủ đã rất kiên quyết chỉ đạo trồng rừng. Vì thế diện tích che phủ rừng tăng lên và năm nay ước khoảng 42%, cao hơn mức bình quân 29% của thế giới. Điều này mang lại lợi ích cho ngành chế biến gỗ cũng như góp thực hiện chủ trương đóng cửa 11 triệu ha rừng tự nhiên mà Thủ tướng đã chỉ đạo.
Dự báo những năm tới, ngành gỗ tiếp tục tăng trưởng nhanh, Thủ tướng nhấn mạnh đến sự đóng góp của các thành phần kinh tế vào việc tăng tỷ lệ che phủ rừng và đẩy mạnh chế biến gỗ trong nước, từ đó mở ra định hướng lớn về phát triển của ngành, mang lại ý nghĩa lớn cả về kinh tế, xã hội và môi trường nước ta.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu một số hạn chế về việc đảm bảo nguyên liệu gỗ hợp pháp; tỷ lệ gỗ khai thác rừng trồng để sản xuất sản phẩm thô, đặc biệt là răm gỗ, còn cao. Sự liên kết giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến chưa hiệu quả, liên kết chuỗi còn hạn chế. Công nghệ trồng rừng, chế biến gỗ còn hạn chế nê năng suất thấp và giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao.
Thủ tướng cho biết, ông có đọc một bài báo, ai đứng sau thiết kế nội thất cho Hilton, Opera, Marriot, Sheraton...tại Việt Nam. Đây là vấn đề giá trị gia tăng lớn. Những vấn đề thiết kế và thương hiệu này đang đặt ra cho Việt Nam. Hiệp hội doanh nghiệp chế biến có cho Thủ tướng xem sản phẩm các vị làm, một chiếc nghế có thể 500 USD nếu chúng ta thiết kế và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cái quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm và chúng ta bước đầu làm được nhưng chưa làm tốt. Đây là khâu Thủ tướng nêu ra để khẳng định tiếp tục thiết kế và quản trị doanh nghiệp tốt hơn.
Từ những thành quả và vấn đề đặt ra đối với ngành chế biến gỗ và lâm sản, Thủ tướng nêu quan điểm và mục tiêu phát triển thời gian tới là phát triển bền vững, hiệu quả, hiện đại, hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, khu vực. Đó là quan điểm sử dụng nguyên liệu hợp pháp, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực tốt; phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logisitc tốt hơn nữa trong phát triển ngành gỗ thời gian tới. “Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của nền kinh tế quốc dân. Phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới”.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu ngành lâm nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu để đạt mục tiêu cao hơn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra. Cụ thể phấn đấu năm nay đạt 9 tỷ USD, năm tới đạt từ 10 - 11 tỷ USD, đến năm 2025 phải đạt từ 18 - 20 tỷ USD.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng tán thành với các đại biểu dự hội nghị về việc có chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp chế biến, phát huy lợi thế so sánh. Đây cũng chính là hướng giải quyết được nhiều việc làm ở miền núi và nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực này.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp và doanh nghiệp tập trung thực hiện Luật lâm nghiệp 2017, trong đó chú ý nội dung coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho ngành chế biến gỗ phát triển.
Cùng với quan tâm thị trường trong nước 100 triệu dân, Thủ tướng nhấn mạnh cần làm tốt công tác thị trường trong và ngoài nước, nghiên cứu sự phát triển của ngành bất động sản toàn cầu và hiệp định thương mại tự do, như hiệp định với liên minh Châu Âu, hiệp định CPTPP, Hiệp định đối tác tự nguyện và thực thi pháp luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại với EU, rất nhiều hiệp định Việt Nam tham gia. Đây là một cơ hội tốt để ngành gỗ Việt Nam thâm nhập tốt hơn về quy mô, về hiệu quả để phát triển. “Người ta nói công nghiệp hóa đi liền với đô thị hóa, đô thị hóa bên trong nội thất không thể dùng bê tông mà phải dùng gỗ. Vậy thì thiết kế phù hợp, mẫu mã phù hợp, chất lượng tốt, đó là thị trường toàn cầu” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, để đạt được các mục tiêu đề ra, thì việc quan trọng là phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam và doanh nhân ngành gỗ Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ trăn trở, nhiều sản phẩm chúng ta sản xuất được, bảo đảm chất lượng nhưng vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ở ngay thị trường trong nước.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp là kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, hạn chế và tiến tới không sử dụng gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu. Cùng với đó là đảm bảo thị trường tiêu thụ lâu dài, bền vững của ngành gỗ Việt Nam, không chỉ 5-7 năm tới, mà 50 năm sau của điều kiện tự nhiên Việt Nam.
Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành gỗ phát triển nhanh, bền vững. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo một Chỉ thị của Thủ tướng để sau hội nghị này sẽ ban hành, tạo điều kiện cho ngành gỗ Việt Nam có điều kiện phát triển bền vững hơn./.
Nguồn: vov.vn